Trà Gạo Lứt
I. Giới thiệu về Trà gạo lứt
1. Trà gạo lứt là gì?
Trà gạo lứt là một loại đồ uống thiên nhiên theo đúng nghĩa đen bởi nó được làm từ những hạt gạo lứt bổ dưỡng. Thứ trà này rất thơm ngon, lành mạnh và phù hợp với đa phần các độ tuổi. Hơn thế nữa, trà gạo lứt có chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Không những vậy còn có những công dụng trong việc làm đẹp hiệu quả đến bất ngờ.
Trà gạo lứt được tạo ra từ những hạt gạo lứt được rang khô hoặc sấy khô, việc này được hiểu rằng nếu không có sự can thiệp của các loại gạo khác được trộn thêm thì chất trà hoàn toàn tiết ra từ gạo lứt và cũng vì vậy hầu như các chất dinh dưỡng trong trà gạo lứt không bị mất đi và công dụng cũng tương tự như khi chúng ta ăn cơm nấu từ gạo lứt. Cho nên, nếu bạn đang quan ngại rằng uống trà gạo lứt sẽ giảm đi những giá trị vốn có thì không cần phải lo lắng nữa nhé!
Trên thực tế, mặc dù gạo lứt có mặt và được biết đến nhiều hơn đã từ lâu nhưng trà gạo lứt thì lại không phổ biến như vậy ở Việt Nam bởi một phần nằm ở văn hóa trong ẩm thực của người Việt gạo là thực phẩm chính của các bữa ăn trong ngày, không phải là cơm thì cháo hoặc bất cứ cách chế biến nào. Cho đến khi những công dụng của gạo lứt tác động đến các phương pháp làm đẹp thì trà gạo lứt hoặc các loại đồ uống làm từ gạo lứt mới được nổi lên như sao gặp thời.
Trà gạo lứt là được coi là một hình thức bổ sung các chất dinh dưỡng từ thiên nhiên mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng, đặc biệt dưới dạng chất lỏng, gạo lứt không còn làm khó dạ dày của chúng ta nữa - điều này giúp cho những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc hay gặp vấn đề vẫn có thể sử dụng được. Sở dĩ trên hạt gạo lứt có lớp vỏ nguyên cám nên sau khi trải quá trình nhai và đến dạ dày, hạt gạo cũng tốn nhiều thời gian và công sức hơn của dạ dày trong khi tiêu hóa nó.
2. Điểm qua những thành phần có trong trà gạo lứt
Trong trà gạo lứt chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như những hợp chất thực vật như:
- Polyphenol với các công dụng như chống oxy hóa, bảo vệ tế bào trước sự tấn công của các gốc tự do;
- Chất xơ, đạm;
- Các vitamin thuộc nhóm B như vitamin B1, vitamin B3, vitamin B5, vitamin B6;
- Các nguyên tố vi lượng (các khoáng chất) như Kẽm, Canxi, Photpho, Magie,...
3. Những điều cơ bản cần biết về gạo lứt
Gạo lứt là một loại thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc nguyên hạt không còn xa lạ với chúng ta, loại gạo này được liệt vào danh sách những nguồn cung tinh bột cho cơ thể tốt nhất. Ngoài hàm chứa tinh bột thì gạo lứt còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho con người chẳng hạn như chất xơ, chất đạm (protein) - hai thành phần này có lẽ là điểm sáng của gạo lứt, kế đến là các vitamin nhóm B cùng với các khoáng chất.
Điểm khác biệt giữa gạo trắng hầu hết các gia đình sử dụng và gạo lứt nằm ở cấu tạo hạt gạo. Khi “giải phẫu” mỗi hạt thóc ta sẽ thấy có tổng cộng ba lớp: lớp đầu tiên là vỏ trấu có màu vàng để bảo vệ hạt gạo bên trong và không ăn được, lớp ở giữa là lớp vỏ cám khá mỏng, chứa đa phần là chất xơ, protein và các khoáng chất, cuối cùng là ruột gạo chứa phần lớn là tinh bột. Để có được những hạt gạo trắng ngần thì người nông dân cần loại bỏ lớp vỏ trấu và vỏ cám, nhưng nếu giữ lại lớp vỏ cám thì chúng ta đã có ngay những hạt gạo lứt bổ dưỡng. Vì thế trọng điểm của sự khác biệt về cả kết cấu cũng như chất dinh dưỡng nằm ở lớp vỏ cám. Mặc dù chỉ là lớp mỏng nhưng đây lại là thành phần chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhất, và cũng là yếu tố giúp gạo lứt chiếm trọn spotlight khi so sánh mức độ giàu các chất với gạo trắng. Vì vẫn còn lớp cám gạo nên gạo lứt theo khẩu vị của một số người đánh giá thì khó ăn, hơi khô và nham nháp khi nhai.
Gạo lứt cũng khá đa dạng trong chủng loại, để phân biệt các loại gạo lứt, ta dựa trên hai tiêu chí: chất gạo và màu sắc gạo. Dựa vào chất gạo, gạo lứt được chia thành gạo lứt tẻ và gạo lứt nếp cũng tương tự như cách phân biệt chất gạo trắng. Trong khi phân biệt dựa trên màu sắc gạo thì chúng ta sẽ có tổng cộng 3 loại gạo lứt: gạo lứt trắng - có màu hơi ngà tựa như những hạt ngọc trai, gạo lứt đỏ - có màu đỏ thẫm và cuối cùng là gạo lứt đen - hay còn được gọi là nếp than. Mỗi loại gạo lứt sẽ có thành phần dinh dưỡng kèm với mục đích sử dụng khác nhau nên cần phải phân biệt thật kỹ và chính xác, điều này cũng ảnh hưởng đến công dụng của từng loại trà gạo lứt. Lưu ý rằng, riêng với gạo lứt đỏ, chúng ta có thêm một loại gạo cũng có màu đỏ tương tự gọi là gạo huyết rồng nên lưu ý hơn về cách phân biệt giữa hai loại gạo này để tránh việc sử dụng gạo cũng như trà gạo lứt sai mục đích.
Ở các nước láng giềng, đặc biệt là Indonesia, trà gạo lứt rất thịnh hành, đặc biệt là loại trà làm từ gạo lứt đen (hay còn gọi là gạo lứt tím). Màu của loại trà gạo lứt này cũng khá đậm do bản thân hạt gạo đã có màu đậm - bởi vì chứa chất anthocyanin có sắc tố. Theo nhiều nghiên cứu thì công dụng của trà gạo lứt vô cùng nhiều, có thể so sánh được loại trà này với trà xanh mà ai cũng biết đến.
II. Công dụng của trà gạo lứt - vừa khỏe vừa đẹp
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ưu ái gọi trà gạo lứt là “nước đại bổ”, hay “nước làm đẹp” bởi thức uống này có khả năng cải thiện sức khỏe lẫn nhan sắc của chúng ta sau một khoảng thời gian dài sử dụng một cách thông minh. Vậy những công dụng đối với cơ thể chúng ta từ trong ra ngoài cụ thể là gì?
1. Trà gạo lứt ngăn ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm
a. Cải thiện và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa
Từ xa xưa, những mẹo nhỏ trong cuộc sống thường nhất được ông bà ta truyền đạt lại khá thân thuộc khi bắt gặp ai đang có những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như táo bón, đầy bụng, khó tiêu thì hãy bổ sung thêm chất xơ. Có thể nói chất xơ như là “thần dược” đối với hệ tiêu hóa của con người bởi nó như một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm đi những tổn thương có thể gặp trong nội tạng đặc biệt là dạ dày hoặc đường ruột, đồng thời là khi chất xơ trong cơ thể bạn được cung cấp đủ thì tốc độ trao đổi chất của bạn sẽ rất hiệu quả. Điều này sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư đại tràng.
b. Hỗ trợ loại bỏ các chất “cặn” và thanh lọc cơ thể
Uống trà gạo lứt sẽ giúp cơ thể chúng ta nạp thêm được nhiều chất dinh dưỡng, trên lớp vỏ cám gạo của nó có chứa lớp dầu đặc biệt, có khả năng hỗ trợ điều hòa huyết áp trong cơ thể, chất xơ trong gạo lứt hỗ trợ giảm thiểu Cholesterol xấu và là “cực phẩm” đối với gan - bộ phận quan trọng trong cơ thể con người giúp chúng ta đào thải các chất dư thừa và có hại. Nếu kết hợp dùng trà gạo lứt cùng với một chế độ sinh hoạt lành mạnh thì dần dần bạn sẽ cảm thấy sự “khác biệt to lớn” của cơ thể mình đấy.
c. Tăng cường hệ miễn dịch từ đó giảm sự thâm nhập của các virus
“Hệ miễn dịch” là thuật ngữ chẳng mấy xa lạ với chúng ta, đặc biệt là sau khi trải qua gần hai năm khó quên cùng đại dịch “Covid”. Sử dụng trà gạo lứt thường xuyên có thể hỗ trợ cơ thể chúng ta gia tăng sức mạnh - hàng rào kháng thể trước các tác nhân gây bệnh. Sở dĩ trà gạo lứt làm được điều này là nhờ vào hai chất chất sterol và serolin trong gạo. Đồng thời, trà gạo lứt còn chứa phytosterol giúp cơ thể thu hút những vi khuẩn có lợi. Nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng phytosterol vì nó được nghiên cứu rằng nếu nồng độ quá cao trong cơ thể sẽ bị phản tác dụng.
d. Nâng cao sức khỏe hệ tuần hoàn và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra dành cho công dụng của gạo lứt cũng như trà gạo lứt, rằng liệu trà gạo lứt có thực sự “thần thánh” hay không thì quả thực nó có thể giúp chúng ta cải thiện sức khỏe rất nhiều. Một trong những lợi ích đó là cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ vào lượng chất xơ hàm chứa trong gạo lứt. Như đã đề cập về bảng dinh dưỡng của gạo lứt để làm cơ sở cho dẫn chứng rằng khi uống trà gạo lứt trong thời gian dài, sức khỏe của trái tim của bạn sẽ được củng cố rất nhiều. Trong gạo lứt có chứa đến 3.5 gram chất xơ - loại chất có công rất lớn trong việc phòng ngừa các căn bệnh về tim mạch, đặc biệt liên quan đến bệnh có nguyên nhân chính là do tắc nghẽn động mạch do ứ đọng cholesterol.
Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe đến tên của loại chất béo không tan, nếu không được đào thải thì sẽ bám vào thành của động mạch làm giảm diện tích lưu thông máu dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạch máu và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng con người. Vậy vai trò của chất xơ sẽ được ví như là một công cụ để dọn dẹp những Cholesterol bị dồn đọng. Do đó, các bệnh nhân được chẩn đoán mắc các bệnh về tim mạch, ngoài những đơn thuốc đặc trị và các phương pháp điều trị y khoa từ bác sĩ thì họ cũng được khuyến khích dùng trà gạo lứt, tất nhiên là dưới sự giám sát của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không đáng có, ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh. Không chỉ những ai mắc các bệnh về tim mạch mới nên sử dụng trà gạo lứt mà ngay cả những người bình thường vẫn được khuyên nên thỉnh thoảng uống trà gạo lứt bởi “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
e. Bổ mắt và ngăn ngừa những bệnh “lão hóa” của mắt
Trà gạo lứt có chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho mắt của chúng ta như omega 3, omega 6 và omega 9 cũng như axit folic. Ngoài ra, trong gạo lứt còn chứa hai thành phần quan trọng nhằm ngăn chặn và rủi ro mắc các bệnh về mắt như ngăn ngừa đục thủy tinh thể, đó chính là Zeaxanthin và Lutein. Hai loại chất này sẽ có khả năng hấp thụ được các tia cực tím từ mặt trời từ đó giúp bảo vệ võng mạc, hoàng điểm của chúng ta. Thông thường, Zeaxanthin và Lutein sẽ được nạp vào cơ thể thông qua các loại thực phẩm chức năng bổ mắt nhưng bạn vẫn có thể bổ sung thêm thông qua trà gạo lứt nếu như không muốn sử dụng đến thực phẩm chức năng. Đặc biệt, những bệnh về mắt thường sẽ dần xuất hiện ở tuổi về già, khi các tế bào mắt bắt đầu có những dấu hiệu của lão hóa.
f. Trà gạo lứt hỗ trợ cải thiện tình trạng xương khớp
Lớp vỏ cám của gạo lứt có chứa hàm lượng Magie khá ấn tượng mà Magie lại là một chất có lợi cho xương khớp. Nhờ vậy mà có thể phòng tránh cũng như giảm triệu chứng của các bệnh quan đến xương như bệnh loãng xương, phong thấp, thoái hóa xương,...
g. Cải thiện trí não và ngăn ngừa các bệnh mất trí nhớ
Lại lấy ví dụ từ người Nhật Bản có tuổi thọ trung bình xếp hàng top trên thế giới thì không chỉ sống thọ mà những người già ở đất nước này cũng rất minh mẫn ở tuổi gần đất xa trời, thậm chí khỏe mạnh về mặt thể chất. Bí quyết ở đây là họ cũng thường xuyên ăn cơm, đặc biệt là gạo lứt khi chứa nhiều hàm lượng các vitamin tốt cho hệ thần kinh như vitamin B1, vitamin B6. Nhờ các chất dinh dưỡng này mà quá trình sinh học của hệ thần kinh được cải thiện, gia tăng sức mạnh trí nhớ của bạn nữa đấy. Theo thời gian dài sử dụng trà gạo lứt kết hợp với chế độ ăn phù hợp đầy đủ chất dinh dưỡng thì bạn sẽ thấy mình ngày càng minh mẫn hơn, sau khi về già cũng giúp bạn tránh được những bệnh suy giảm trí nhớ như Parkinson, Alzheimer.
h. Trà gạo lứt hỗ trợ kiểm soát đường huyết trong cơ thể
Vốn dĩ gạo lứt khi ăn trực tiếp theo dạng cơm hay bất cứ dạng chế phẩm nào từ nó thì cũng đều có khả năng kiểm soát đường huyết tôt bởi quá trình hệ tiêu hóa của chúng ta tiêu hóa gạo lứt sẽ chậm hơn với gạo trắng nên giúp tránh việc thay đổi đường huyết quá nhanh chóng. Các chất dinh dưỡng khác sẽ giúp cho quá trình chuyển hóa glucose (đường) ổn định hơn, đồng thời cải thiện quá trình tổng hợp hormon insulin - hormon duy nhất trong cơ thể giúp hạ đường huyết, đặc biệt tốt với người mắc bệnh đái tháo đường.
i. Giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sỏi thận
Vitamin K và IP6 là hai thành phần hữu hiệu trong việc ngăn cản khả năng tạo kết tủa oxalat canxi ở đường tiết niệu. Kết tủa này là một loại hợp chất có hầu hết trong các thực phẩm chúng ta nạp vào cơ thể hàng ngày, nếu tích tụ quá nhiều thì đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận, suy thận. Trong trà gạo lứt có chứa hai thành phần quan trọng này nên mỗi ngày uống trà gạo lứt, bạn đang giúp cho cơ thể mình tránh xa khỏi các bệnh nguy hiểm về thận một bước rồi đấy.
k. Trà gạo lứt giúp cản trở sự tấn công của các tác nhân gây ung thư
Thực ra, các chất chống oxy hóa trong trà gạo lứt giống như vệ binh để bảo vệ các tế bào trong cơ thể chúng ta. Gốc tự do - chất có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa của tế bào, thậm chí là phá hủy tế bào. Khi các gốc tự do này tấn công tế bào thì các chất chống oxy hóa sẽ phát huy tác dụng, ức chế khả năng xâm lấn của các gốc tự do này. Cũng vì thế mà việc uống trà gạo lứt thường xuyên hơn cũng có thể giúp cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh, ngăn ngừa được nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
2. Trà gạo lứt - “Nước thần” cho nhan sắc để đẹp từ trong ra ngoài
Ngoài những lợi ích thiết thực về sức khỏe, phòng ngừa trước được những căn bệnh nguy hiểm ở tuổi về già thì gạo lứt còn là những hạt gạo vàng đối với những người theo đuổi sự nghiệp làm đẹp.
Cụ thể với những công dụng như sau:
a. Trà gạo lứt hỗ trợ giảm cân và kiểm soát cân nặng
Cũng tương tự như việc ăn gạo lứt, trong loại gạo này có chứa hàm lượng cao chất xơ - đối với những người đang trong quá trình ăn kiêng thì chất xơ rất cần thiết và quan trọng. Không chỉ đơn thuần tốt cho hệ tiêu hóa, chất xơ giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn nên chất béo được đào thải dễ dàng hơn, mà chất xơ trong trà gạo lứt giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn, hạn chế những cơn thèm ăn khiến chúng ta mất kiểm soát. Một tips mà khá nhiều người sử dụng trong quá trình giảm cân là ngoài các bữa ăn chính thì khi đói bạn có thể uống trà gạo lứt để cảm cơn đói nhé.
b. Chống lão hóa để nhan sắc luôn như tuổi đôi mươi
Các chất chống oxy hóa không những giúp cho cơ thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng con người mà còn là giải pháp cho sắc đẹp. Nhan sắc luôn sợ nhất là thời gian, nhưng thực chất là do sự oxy hóa của các tế bào. Chuyện làm đẹp luôn quan trọng nhất rằng là làm như thế nào để làm chậm quá trình lão hóa nhiều nhất có thể. Một sự thật mà nhiều người vẫn ít khi chấp nhận đó là đường sẽ thúc đẩy lão hóa nhanh hơn, vì thế những người quan trọng việc làm đẹp sẽ rất chú trọng về việc mình nạp vào cơ thể những gì. Trà gạo lứt góp phần ức chế quá trình lão quá của các tế bào, từ đó cơ thể chúng ta sẽ luôn rạng ngời và tràn đầy sức sống.
c. Trà gạo lứt giúp detox từ bên trong cơ thể giúp đẹp dáng đẹp da
Bên cạnh việc giúp cơ thể thanh lọc những chất cặn không có lợi cho sức khỏe, giảm áp lực làm việc cho gan thì chính tác dụng này cũng có ích rất trong việc làm đẹp. Nhiều người sử dụng gạo lứt như nguyên liệu làm đẹp vạn năng, họ sử dụng trà gạo lứt để làm thức uống thay cho nước lọc giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ một số độc tố tồn đọng trong cơ thể. Khi uống trà gạo lứt thường xuyên và hợp lý, cơ thể đào thải được những độc tố, dần dần bạn sẽ cảm thấy cơ thể nhẹ hơn (do không ứ đọng hay ngậm nước do các chất có hại) cũng như da dẻ sẽ hồng hào, mịn màng và tràn trề sức sống hơn.
d. Giảm lo âu và căng thẳng, giúp bạn luôn vui vẻ và xinh tươi
Nhờ vào sự phong phú trong thành phần mà gạo lứt có luôn cả công dụng giúp chúng ta trấn tĩnh bản thân trước những tình huống căng thẳng. Nhóm vitamin nhóm B như vitamin B1, vitamin B3, vitamin B6 và các chất khác hỗ trợ cho hệ thần kinh của chúng ta kích thích được các hormone hạnh phúc nhiều hơn, giúp tinh thần bạn luôn sảng khoái và tích cực. Nhờ vậy mà bạn sẽ luôn rạng rỡ, yêu đời và đúng chuẩn “đẹp” từ tâm hồn đến bên ngoài. Vì vậy, nếu đang phải học tập và làm việc đến kiệt sức, bạn nên chuẩn bị thêm trà gạo lứt để phòng khi cảm thấy tiêu cực, mệt mỏi và áp lực nhé, đây như là thức uống cứu cánh healthy hơn rất nhiều các loại đồ uống công nghiệp chứa nhiều đường.
III. 3 bước cách làm Trà gạo lứt tại nhà
Những người quan tâm hay thậm chí là có nghiên cứu về các chế độ dinh dưỡng thì thường thích lựa chọn phương án “nhà làm” hơn thay vì mua hàng đã được chế biến sẵn. Nếu không chọn mua được trà gạo lứt từ một nguồn gốc rõ ràng, biết rõ được các thành phần có trong trà thì công thức gợi ý cách làm trà gạo lứt chuẩn vị nhà làm sẽ là vị cứu tính dành cho bạn.
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Để có được nước trà gạo lứt chất lượng thì khâu chọn gạo vô cùng quan trọng. Bạn nên chọn những loại gạo lứt có hương thơm nhẹ (đa phần các vị từ các loại trà gạo lứt khá giống nhau nên điểm phân biệt nhiều hơn nằm ở hương thơm), hạt gạo có hình dáng tròn đầy, chắc mẩy và không bị ẩm mốc.
Bước 2: Rang gạo để làm trà
Bạn có thể sử dụng bất kì loại công cụ nào để rang gạo, tuy nhiên cần lưu ý là nên sử dụng các loại nồi hay chảo bằng inox, có chống dính và lưu ý là những công cụ này cần được rửa sạch và để ráo, tránh khi rang gạo lứt bị ám mùi khác, giảm chất lượng trà đi nhiều. Nếu có điều kiện thì sử dụng máy rang chuyên dụng thì càng tốt bởi như vậy trà sẽ được đảm bảo hơn về hương vị.
Cách rang gạo cũng vô cùng đơn giản, rang gạo lứt đã được lựa chọn kỹ, khi rang nhớ đảo đều tay liên tục để tránh gạo không được đều, rang cho đến khi gạo có hơi chuyển màu, dậy mùi thơm thì tắt bếp và nhớ đừng để gạo cháy khét thì sẽ không dùng được đâu nha.
Bước 3: Pha trà và bảo quản phần còn lại
Để tiết kiệm thời gian và công sức hơn cũng như tiện trong quá trình sử dụng thì bạn có thể rang một lượng lớn gạo, sau đó cất hũ dùng dần. Mỗi lần pha trà, chỉ cần một nhúm nhỏ là vừa. Cách nấu trà gạo lứt rất đơn giản. Bạn cứ pha như các loại trà thông thường, nấu nước sôi khoảng tầm 80 độ, cho gạo lứt đã được rang vào ấm trà và đổ từ từ nước đã được đun vào. Sau đó, om trà trong khoảng 5 đến 10 phút cho tinh chất trong gạo tiết ra và vớt hạt gạo ra. Với bã trà, chúng ta vẫn có thể tái sử dụng sang lần thứ ba (đến khi nước trà nhạt bớt). Nước trà không bị đục và hơi có màu theo đúng màu của gạo lứt là ổn. Cách uống trà thì phụ thuộc vào thói quen vào mỗi người, bạn có thể thay nước trà gạo lứt cho nước lọc uống hàng ngày, trà khi uống nóng sẽ ngon hơn. Trà gạo lứt đều uống được vào cả buổi sáng lẫn buổi tối, tùy vào thời điểm và chế độ ăn của bạn mà cân chỉnh cho phù hợp nhé.Đối với phần gạo đã rang cất để dùng dần thì nên là bình thủy tinh khô ráo, có nắp đậy, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, tránh những nơi độ ẩm cao dẫn đến ẩm mốc gạo lứt đã rang.
Bênh cạnh đó, chúng ta cần lưu ý một vài điểm trong quá trình nấu và sử dụng gạo lứt. Cụ thể, mỗi ngày, không nên uống quá 750ml trà gạo lứt rang, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn nên uống thêm nước lọc ngoài trà gạo lứt để cơ thể có đủ 2 lít nước. Mỗi lần pha thì không nên pha nhiều, bạn có thể căn chỉnh dựa trên độ đậm nhạt của màu nước trà, cũng không nên vì tiếc mà uống trà gạo lứt đã được pha sẵn và để quá lâu. Vì giàu dưỡng chất nên trà gạo lứt cũng rất “thu hút” những vi khuẩn bên ngoài môi trường, dễ bị thiu nhanh hơn các loại trà thông thường. Nếu gạo lứt đã có dấu hiệu bị mốc thì cũng không nên cố gắng sử dụng vì tiếc bạn nhé.
Nếu bạn cảm thấy uống gạo lứt quá đơn điệu thì có thể tìm thêm các nguyên liệu để “mix&match” tăng thêm khẩu vị cho thức uống healthy này. Một số gợi ý đơn giản mà bạn cũng có thể tự làm tại nhà như:
Trà gạo lứt kết hợp với đậu đỏ/đậu xanh/đậu đen: Các loại đậu rất tốt cho sức khỏe không kém cạnh gì gạo lứt, đặc biệt rất dễ uống và dễ kết hợp. Các loại đậu bạn rang lên tương tự như cách rang gạo lứt, khi pha ra thành trà bạn bỏ luôn gạo lứt và các loại đậu cùng một lúc cũng được. Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể gia giảm lượng gạo lứt và lượng đậu cho phù hợp.
Trà gạo lứt mật ong: Không thể bàn cãi trước những công dụng tuyệt vời của mật ong phải không các bạn, trà gạo lứt sau khi om (hãm trà) và vớt xác trà xong thì bạn nên đợi trà hơi nguội một chút, nhiệt độ hơi âm ấm rồi hẵng cho mật ong vào, khuấy đều cho mật ong hòa vào nước trà. Thế là bạn có một ly trà gạo lứt phiên bản nâng cấp rồi đấy.
Trà gạo lứt kết hợp các loại trà giải nhiệt: Các loại trà giải nhiệt mà bạn có thể uống cùng trà gạo lứt để tăng hương vị có thể kể đến như trà bí đao - hương vị của trà này khá hợp với trà gạo lứt, tuy nhiên với trà bí đao bạn nên hạn chế thêm quá nhiều đường như ở ngoài hàng hay bán, bởi vị trong trà gạo lứt có vị ngọt nhẹ tự nhiên đủ làm bạn cảm thấy dễ uống, hơn nữa đường không tốt cho cơ thể cũng như nhan sắc của chúng ta nên càng ít thì càng tốt.
IV. Lưu ý sử dụng trà gạo lứt
Công cuộc gia nhập “đạo gạo lứt” cũng không đơn giản chỉ là thấy tốt mà dùng là được, chúng ta cần hiểu thật rõ từ gốc tới ngọn của loại thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc nguyên hạt này để tránh bị phản tác dụng, đồ bổ lại hóa đồ độc hại cũng là nằm ở việc hiểu biết và cách sử dụng. Đa phần chúng ta đều có thể sử dụng trà gạo lứt vì nó rất lành tính nhưng một số đối tượng nên lưu ý hơn, để đảm bảo hơn thì có thể tham khảo qua ý kiến của bác sĩ là tốt nhất.
Như đã đề cập đến việc trà gạo lứt hỗ trợ việc kiểm soát đường huyết, tuy nhiên đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) không nên tùy ý sử dụng hoặc lạm dụng. Đặc biệt cần phân biệt trà gạo lứt và trà gạo đỏ (hay còn gọi là trà gạo huyết rồng). Gạo huyết rồng có chỉ số đường huyết cao, trái ngược hoàn toàn với gạo lứt mặc dù vẻ bề ngoài rất giống. Tai hại sẽ diễn ra nếu bạn - chẳng may mắc bệnh tiểu đường mà mua và sử dụng sai loại trà gạo lứt vì phân biệt sai. Kế đến là những bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch, mặc dù trà gạo lứt có lợi cho các mạch máu là thế, những một chút nhắc lại về phytosterol là chất có lợi nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì hoàn toàn ngược lại.
Tổng kết: không phải ngẫu nhiên mà trà gạo lứt được mệnh danh là “nước đại bổ”, công dụng của thứ trà này không đơn giản chỉ tác động và sức khỏe mà còn có thể giúp cải thiện nhan sắc từ trong ra ngoài. Uống trà gạo lứt tốt nhưng chúng ta không nên lạm dụng và sử dụng khi chưa hiểu rõ hết về nó. Hy vọng, những chia sẻ trong bài viết này có thể giúp bạn hiểu cặn kẽ về trà gạo lứt để có thể sử dụng nó một cách khoa học và hiệu quả.