Cách nấu gạo lứt Huyết Rồng
Gạo huyết rồng là một cái tên vừa xa lạ cũng vừa gần gũi khi chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người như chất béo tốt, protein (chất đạm), chất xơ, một số các vitamin, các khoáng chất. Trong đông y, thậm chí gạo huyết rồng còn được xem như một loại thuốc.
Mặc dù vậy, có vẻ như gạo huyết rồng chưa được phổ cập đến nhiều nơi cũng như chưa được sử dụng rộng rãi. Vì thế việc chế biến loại gạo này cũng được ít người quan tâm hay biết đến. Bài viết ngày hôm nay sẽ chia sẻ về cách làm thế nào để nấu gạo huyết rồng chuẩn vị, thơm ngon mà vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao.
I. Cách phân biệt và lựa chọn gạo huyết rồng
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu cách nấu thì chúng ta cần hiểu về những kiến thức cơ bản nhất của loại gạo này. Có một sự thật thú vị là gạo huyết rồng rất dễ nhầm lẫn khi mua.
Vậy gạo huyết rồng là gì? Gạo huyết rồng là một giống lúa được trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới. Tên khoa học của gạo huyết rồng là Oryza sativa L. Chủ yếu loại gạo này được cung cấp từ Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Hạt gạo huyết rồng có màu đỏ nâu, hình dáng hạt mẩy căng tròn, khi tách đôi hạt gạo thì lõi gạo cũng là màu đỏ. Đây chính là điểm mấu chốt giúp chúng ta phân biệt được đúng gạo huyết rồng.
Một lưu ý rất quan trọng mà bạn hay những ai đang có ý định sử dụng gạo huyết rồng vì chỉ nghe phong phanh gạo huyết rồng rất tốt, rằng gạo huyết rồng hoàn toàn không phải gạo lứt đỏ. Trong tiếng Anh gạo lứt được gọi là “brown rice” trong khi gạo huyết rồng được gọi là “red rice”. Cho nên, khi bạn bắt gặp những cái tên như “gạo lứt huyết rồng” thì khái niệm này không hề chính xác.
Phân tích sâu hơn về sự khác biệt để giúp bạn loại bỏ hoàn toàn sự nghi ngờ khi vẫn nghĩ rằng vẻ bên ngoài của gạo lứt đỏ. Để định nghĩa về gạo lứt thì quan trọng nhất về cấu tạo của hạt gạo. Hạt thóc sau khi được thu hoạch về, chúng sẽ gồm có ba lớp: lớp đầu tiên là lớp vỏ trấu màu vàng bao bọc bên ngoài không thể ăn được, lớp tiếp theo là lớp vỏ cám gạo bao bọc phần nhân gao và tất nhiên cuối cùng là lõi gạo trắng mà đa phần nhiều gia đình đang sử dụng. Vậy, gạo lứt sẽ là loại gạo còn giữ nguyên phần lớp vỏ cám bên ngoài. Cũng đồng nghĩa rằng, loại gạo lứt đỏ - loại gạo được cho là giống gạo huyết rồng có lớp vỏ cám màu nâu đỏ nhưng bên trong khi bẻ đôi hạt gạo thì là lõi gạo màu trắng. Thế nên, đính chính rằng gạo lứt hoàn toàn không bao gồm loại gạo huyết rồng mà chỉ có tổng cộng ba loại gạo: gạo lứt đen, gạo lứt đỏ và gạo lứt trắng.
Gạo huyết rồng được ưa thích không chỉ vì xét về mặt dinh dưỡng thì nó vượt trội hơn so với nhiều loại gạo khá mà con ghi điểm với dân sành ăn bằng hương vị đặc trưng. Kết cấu gạo huyết rồng sẽ tạo cảm giác dẻo, khi nhai càng lâu vị bùi và ngọt càng cảm nhận được rõ trong khoang miệng hơn.
Hàm chứa khá nhiều chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể, gạo huyết rồng luôn được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao trong khoản bồi bổ sức khỏe. Thành phần chính trong gạo chắc chắn phải là tinh bột, bên cạnh đó là chất đạm (protein), chất xơ, kế đến là các vitamin thuộc nhóm B như vitamin B1, vitamin B2, vitamin B5, vitamin B6. Cũng không thể bỏ qua những khoáng chất như kali, sắt, magie, mangan, natri,..., ấn tượng với nhiều người bằng hàm lượng Magie khá cao có trong gạo huyết rồng bởi với chỉ khoảng một chén cơm gạo huyết rồng đã có thể cung cấp đến khoảng 21% lượng Magie cần thiết cho cơ thể trong một ngày. Không chỉ dừng lại ở đó, trong gạo huyết rồng còn chứa các acid phức tạp nhưng có lợi para aminobenzoic (hay còn gọi là PABA), vitamin M và phytic.
Nhờ vào bảng thành phần chất dinh dưỡng đẹp đến vậy mà gạo huyết rồng đặc biệt tốt cho những đối tượng đang cần được tẩm bổ cơ thể chẳng hạn như phụ nữ có thai, trẻ em, người vừa mới khỏi bệnh vặt. Dù gạo huyết rồng có tốt đến mấy thì đây là loại gạo được khuyến cáo là không nên ăn hàng ngày bởi chỉ số đường huyết lên đến 75,1 - đánh giá là ở mức cao. Gạo huyết rồng đặc biệt nên tránh không cho người mắc bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) hay người đang cần giảm cân hoặc người cần kiểm soát cân nặng. Chỉ số đường huyết là một loại chỉ số thể hiện mức độ tăng đồng độ đường máu của thực phẩm sau khi nạp vào cơ thể so với đường glucose.
Do đó, bạn cần có đủ kiến thức về loại gạo này trước khi sử dụng nó, nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng chớ nên nhầm lẫn gạo lứt đỏ với gạo huyết rồng. Một bên là gạo lứt - có chỉ số đường huyết thấp, khi ăn vào cơ thể của bạn sẽ tăng nồng độ đường máu chậm và ngược lại là gạo huyết rồng khiến nồng độ đường máu tăng nhanh.
II. Gợi ý những cách nấu gạo lứt huyết rồng
1. Cách nấu cơm gạo huyết rồng truyền thống thơm ngon
Gạo huyết rồng nhìn có vẻ thô và cứng nên có nhiều ý kiến cho rằng nên ngâm thật lâu trước khi nấu. Thực ra, như đã đề cập rằng gạo huyết rồng không phải gạo lứt nên kết cấu và thời gian nấu sẽ khác. Không có lớp vỏ cám như gạo lứt nên gạo sẽ dê chín hơn. Tuy nhiên nếu bạn muốn rút ngắn thời gian nấu thì có thể ngâm với nước ấm trước khi nấu trong vòng mười lăm phút. Có thể sử dụng cả nồi áp suất hay nồi cơm điện đều được. Nhưng có một lưu ý rằng các vitamin nhóm B có trong gạo khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị mất đi, nên nếu bạn có đủ thời gian thì không nên lạm dụng nồi áp suất bởi nhiệt độ cao của nó sẽ khiến gạo huyết rồng không giữ được vitamin có lợi.
Một công thức nấu gạo huyết rồng cơ bản áp dụng được cho mọi hình thức nấu:
Bước 1: Làm sạch và ngâm gạo. Tùy vào thời gian của bạn để ngâm gạo, tối thiểu cần ngâm là 15 phút.
Bước 2: Sau khi ngâm gạo đủ thời gian, bạn sẽ thấy màu của hạt gạo hơi nhạt đi và hơi phình ra vì gạo đã mềm và ngậm nước. Không cần vo lại, bạn đổ nước theo công thức của gạo, nến đong bằng mắt thường thì khoảng cách từ bề mặt gạo đến bề mặt nước khoảng một đốt tay. Để cơm không bị khô, bạn nên áng chừng để nước nên nhiều hơn gạo một chút.
Bước 3: Bắc lên nồi và nấu như cách bạn nấu cơm trắng thông thường. Thời gian để gạo huyết rồng chín mềm là khoảng từ 20 đến 30 phút.
Một mẹo nhỏ dành cho những ai có thời gian bận rộn, bạn có thể nấu một nồi cơm huyết rồng cho nhiều ngày, sau đó chia nhỏ thành từng bữa ăn và trữ trên ngăn đông, khi muốn ăn chỉ cần hấp cách thủy hay đơn giản hơn là hấp ngay trong nồi cơm điện. Cách này rất tiết kiệm thời gian và phù hợp với dân văn phòng lắm đấy. Hơn nữa, gạo huyết rồng cũng không nên ăn quá nhiều bữa trong một tuần nên tần suất nấu không nhiều, vì sức khỏe thì chút gian nan có là gì phải không nào.
Thêm nữa, để giảm lượng gạo nạp vào cơ thể (lượng tinh bột), tăng thêm dưỡng chất thì bạn cũng có thể trộn thêm các loại ngũ cốc nguyên hạt vào gạo huyết rồng khi nấu. Tỉ lệ và loại ngũ cốc nào hoàn toàn tự do cho bạn thoải mái “mix & match”. Một số loại mà nhiều người thường sử dụng chung với gạo huyết rồng như đậu đen, đậu gà, đậu đỏ, hạt diêm mạch,... Mẹo này giúp bạn hạn chế được calories nạp vào cơ thể mà còn giàu dinh dưỡng, dù lượng calories của mỗi 100 gram gạo huyết rồng là 189 nhưng nếu bạn đang cần giảm cân thì mẹo này khá hữu ích.
Trên thực tế, các quốc gia châu Á thường ăn cơm và họ cũng chuộng trộn chung ngũ cốc vào gạo, chẳng hạn như các gia đình ở Hàn Quốc, ở Nhật Bản,... Tuổi thọ trung bình của người dân nước này cũng được xếp vào thứ hạng khá cao và họ chia sẻ bí quyết cũng nhờ vào khẩu phần cơm mà họ ăn hàng ngày.
2. Cách nấu cháo gạo huyết rồng tẩm bổ cho người bệnh
Tương tự như nấu cơm, nấu cháo gạo huyết rồng cũng rất đơn giản, quan trọng là ở lượng nước cần nhiều hơn để hạt gạo hấp thu và chín nhừ. Món cháo gạo huyết rồng rất phù hợp với người bệnh mới khỏi, người bị suy nhược cơ thể vì lượng đường huyết sẽ được tăng lên nhanh, phục hồi cơ thể rất tốt. Gạo huyết rồng nấu cháo thì nên ngâm lâu hơn một chút so với khi nấu cơm, hạt gạo chín như thì hương vị cháo mới dậy mùi đặc trưng.
Khi nấu cháo gạo huyết rồng nên nấu sền sệt sẽ là ngon nhất, nhưng độ đặc lỏng cũng tùy thuộc vào khẩu vị của người ăn. Mùi vị của cháo huyết rồng khá ngậy, có thể nói là ngậy hơn rất nhiều so với các loại gạo trắng thông thường hay cả gạo lứt vì vậy để cân bằng lại độ béo bạn nên kết hợp với một số “topping” thanh đạm như kèm theo đậu hà lan ninh nhừ, thịt nạc băm (không mỡ sẽ ngon nhất với món cháo này), cà rốt, ….,
Cách để nấu cháo gạo huyết rồng thứ hai được gợi ý để nấu cháo cho trẻ em. Bạn nên lưu ý về đồ tuổi của trẻ em khi ăn gạo huyết rồng, với trẻ nhỏ hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện thì không nên dùng, tốt nhất là tham khảo ý kiến của chuyên gia,bác sĩ hoặc những ai có kiến thức về dinh dưỡng. Dạng cháo này bạn nên xay thành bột để khuấy như hồ, một món gợi ý đó là “cháo sườn gạo huyết rồng” nấu theo kiểu miền Bắc. Chất cháo sẽ sánh mịn vì được xay mịn, kết hợp với nước hầm sườn, ăn kèm là thịt sườn được xé vụn.
3. Một số cách chế biến gạo huyết rồng khác
Hiện nay các loại sữa nấu từ các loại hạt rất được ưa chuộng, tuy nhiên giá thành khi mua sẵn sữa hạt ở ngoài khá đắt đỏ, việc tự chế biến sữa gạo huyết rồng sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn cũng như đảm bảo được chất lượng tốt nhất.
Về cơ bản, để nấu sữa từ hạt gạo huyết rồng gồm các bước sau:
Bước 1: Rang gạo huyết rồng khoảng 5-7 phút với lửa vừa, đến khi bạn ngửi mùi gạo thơm và có tiếng nổ lách tách là được. Sau đó bạn đo khoảng 1 lít nước lọc vào nồi để ninh gạo huyết rồng vừa rang trong khoảng 30 đến 40 phút cho gạo chín nhừ.
Bước 2: Để nguội phần nước đã gạo đã nấu cho nguội hẳn, lưu ý là cần dể nguội hẳn trước khi xay để tránh hư hỏng máy móc. Sau khi nguội thì đem đi xay trong máy sinh tố cho thật nhuyễn. Tiếp theo, lọc qua hai lần với công cụ lọc hoặc vải xô để sữa thành quả không bị cợn.
Bước 3: Đem phần nước gạo lứt đã lọc đó đi đun từ từ với lửa nhỏ cùng với loại sữa yêu thích của bạn. Khuấy đều tay để sữa ấm dần dần, không để sữa sôi bùng bục kẻo mất hết chất dinh dưỡng. Nêm nếm sữa theo khẩu vị. Cuối cùng là thưởng thức và bảo quản trong tủ lạnh. Vì gạo huyết rồng giàu dinh dưỡng nên bạn nên uống sữa trong khoảng tối đa 3 ngày đổ lại từ khi nấu tránh sữa bị oxy hóa, mất chất.
III. Lợi ích mà gạo huyết rồng đem đến cho chúng ta
Có nhiều người khi nhận ra chỉ số đường huyết của loại gạo này cao nên tâm lí sinh ra sự phòng bị và coi nó như một thực phẩm không nên sử dụng dù biết nó tốt. Tuy nhiên, hãy là một người tiêu dùng thông minh với đầy đủ kiến thức thì không có gì quan ngại cả. Dưới đây sẽ là một số lợi ích từ gạo huyết rồng sẽ giúp bạn lấy lại niềm tin với nó.
1. Hỗ trợ nhuận tràng và phòng tránh cách bệnh tim mạch
Ở điểm này thì gạo huyết rồng khá giống gạo lứt, trong thành phần các chất có trong gạo này, bên cạnh tinh bột thì chất xơ có hàm lượng cao. Trong cơ thể chúng ta luôn sẽ tồn tại những phân tử các chất béo xấu Cholesterol, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành các căn bệnh tim mạch nguy hiểm như xơ vữa mạch máu nếu nọ được tích tụ và ứ đọng quá nhiều trong cơ thể, cụ thể hơn là trong cách thành mạch máu. Chất xơ sẽ có nhiệm vụ “dọn dẹp”, “quét sạch” Cholesterol này ra khỏi cơ thể. Và kết quả là giúp cơ thể phòng tránh những nguyên nhân dẫn đến bệnh về tim mạch. Nhờ vào hàm lượng chất xơ cao mà gạo huyết rồng có công dụng góp phần cho chúng ta có một hệ tuần hoàn khỏe mạnh.
Không chỉ vậy, chất xơ cũng thúc đẩy quá trình tiêu hóa của bạn tốt hơn, giảm nhu động đường ruột nên có thể giúp bạn phòng tránh các chứng khó tiêu, táo bón. Hơn nữa là còn có thể phòng tránh thêm cả những bệnh nguy hiểm hơn như ung thư đại tràng.
2. Cung cấp Lượng Magie “dồi dào”
Magie là nguyên tố vi lượng quan trọng trong rất nhiều hoạt động sống của tế bào, bộ phận trong cơ thể. Xét về đường hô hấp, Magie hỗ trợ trong việc tăng cường tiêu thụ và lưu thông khí oxy nên ăn gạo huyết rồng khiến nhịp thở bạn tốt, đều và chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, Magie là một trong ba khoáng chất cần thiết trong quá trình tái tạo các tế bào xương, bồi bổ đủ lượng Magie nhờ vào gạo huyết rồng là một cách giúp cơ thể bạn “bồi dưỡng” cho hệ xương chắc khỏe. Về lâu về dài, khi càng lớn tuổi bạn cũng có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh thoái hóa xương, loãng xương hay những bệnh về xương khớp khác.
3. Chống oxy hóa cho cơ thể tươi trẻ từ trong ra ngoài
Gạo huyết rồng có chứa các hợp chất chống oxy hóa rất tốt. Cơ thể con người tồn tại những phân tử chống lại sự tồn tại của các tế bào, chúng khiến quá trình lão hóa tế bào nhanh hơn hay thậm chí phá hủy cả tế bào, được gọi là các gốc tự do. Quá trình hình thành những căn bệnh hiểm nghèo cũng xuất phát điểm là những phân tử này. Các chất chống oxy hóa sẽ được ví như những vệ binh của tế bào, bảo vệ tế bào trước sự tấn công của gốc tự do. Suy ra, khi ăn gạo huyết rồng theo một lượng hợp lí và thực đơn khoa học thì cũng giúp cơ thể phòng tránh được những căn bệnh tiềm tàng nguy hiểm.
Không chỉ vậy, gạo huyết rồng được xem là một trong những bí quyết khiến nhan sắc của bạn tháng hạn theo thời gian. Vẻ đẹp của con người sợ nhất là dấu vết của thời gian. Việc chống lại sự lão hóa cần được thực hiện từ những biện pháp bên ngoài lẫn bên trong, bên cạnh việc chăm sóc da và cơ thể bằng các dưỡng chất thần thánh thì có những cách khá đơn giản hơn như việc bổ sung thêm chất chống oxy hóa vào bên trong thông qua khoảng một chén cơm gạo lứt trong một tuần.
Tổng kết: gạo huyết rồng rất bổ dưỡng và cũng rất dễ để chế biến thành những món ưa thích. Bạn nên tham khảo kĩ lượng gạo nên dùng trong khẩu phần ăn cũng như tần suất để sử dụng một cách khoa học. Và một lần nữa nhắn nhủ đến bạn là nhận dạng đúng loại gạo huyết rồng và mục đích sử dụng nhé! Chúc bạn nấu được những món ăn bổ dưỡng từ gạo huyết rồng.